Không lâu sau khi phát hiện ra Đà Lạt (1893), chính quyền Pháp quyết định thành thành lập một khu nghỉ dưỡng tại Đà Lạt dành cho Đông Dương. Việc kiến thiết thành phố bắt đầu vào năm 1905, sau đó một số căn nhà gỗ được xây dựng để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng tạm thời, cho tới năm 1914 có hơn 40 căn nhà gỗ trải dọc hơn 5km theo đường vòng cung hướng ra bờ hồ lớn ( Trần Phú - Trần Hưng Đạo - Hùng Vương ngày nay).
Năm 1914 toàn quyền Đông Dương ấp ủ kế hoạch xây dựng một khách sạn nghỉ dưỡng quy mô hạng nhất như các khác sạn ở Paris để tiếp đón khách thượng lưu ở các nơi lên Đà Lạt, nhất là những thương gia giàu có ở Sài Gòn. Công việc khởi công dự kiến vào năm 1914 và hoàn thành trong vòng khoảng ba năm trong khoảng thời gian chiến tranh thế giới thứ nhất để những người châu Âu không phải về nước do gặp phải chiến tranh có nơi nghỉ ngơi như quê nhà.
Năm 1915 toàn quyền Ernest Nestor Roume muốn xây dựng khách sạn này thật hoành tráng. Hai lý do ông đưa ra là chiến tranh có thể kéo dài và việc xây dựng sẽ diễn ra nhanh chóng để phục vụ những người Pháp không phải trở về quê hương có chỗ để nghỉ dưỡng. Mặt khác ông muốn khẳng định việc này phải hoàn tất sớm mà không phải tiếp tục bị trì hoản do có ngân sách khoảng 300.000 đồng bạc Đông Dương để xây dựng nó. Sở Xây dựng Dân sự Huế (Service des bâtiments civils de Hué) bắt đầu xây dựng kế hoạch. Sau nhiều lần trì hoãn công trình cũng được khởi công vào năm 1916. Nhưng không may, công trình chưa hoàn thành thì toàn quyền Đông Dương Roume về nước. Năm 1917, toàn quyền Đông Dương mới lên thay là Albert Sarraut lên Đà Lạt xem khu nghỉ dưỡng, ông đến xem công tác xây cất và tỏ ra không hài lòng, cho rằng tác phẩm này là điên rồ và cho tạm dừng công trình để thiết kế lại. Sau nhiều lần dừng lại, tiếp tục rồi dựng lại, tiếp tục, toàn quyền đề nghị một kế hoạch ít điên rồ hơn phương án ban đầu. Toàn quyền đề nghị tầng một phải sử dụng cho mục đích chung của khách sạn, tầng hai được ngăn phòng cho nghỉ ngơi nhưng phải đảm bảo cách âm khi di chuyển ở hành lang mà không ảnh hưởng các phòng bên trong.
Công trình trải qua 5 đời Toàn Quyền kể từ khi nó bắt đầu, nhưng công việc vẫn chưa hoàn thành. Toàn quyền Đông Dương mới là Maurice Long tiếp tục lên Đà Lạt kiểm tra công trình, dự kiến hoàn thành trong quý 2 năm 1920, nhưng ông nhận thấy rằng không ai phát hiện cái sai của việc bố trí các phòng ngủ, hành lang và nhà vệ sinh, phòng tắm, tủ quần áo đã chiếm hết mặt tiền nhìn ra cảnh quan xung quanh.
Mặt dứng công trình nhìn ra cảnh quan xung quanh thì chỉ bố trí một cửa sổ nhỏ và phần còn lại là nhà vệ sinh và tủ quần áo, trong khi đó, khu vực để bố trí giường ngủ lại quay vào bên trong. Khách sạn nằm trên đồi cao nhìn xuống hồ lớn thơ mộng và xa xa là dãy Langbiang hùng vĩ thì không thể ngắm nhìn được.
Ông yêu cầu phải dừng lại và đề nghị sở xây dựng tại Huế phải điều chỉnh lại, việc khó khăn là điều chỉnh phòng vệ sinh, phòng tắm vào bên trong để mặt tiền các phòng hướng ra cảnh quan thì các phòng vệ sinh lại tối, hơn thế nữa, hệ thống ống thoát nước cho nhà vệ sinh lại đâm thẳng xuống tầng trệt không được bao che ảnh hưởng đến việc sử dụng tầng trệt. Thế là công việc tiết tục phải kéo dài, trì hoãn.
Theo quy định các khách sạn của Pháp trong thời gian xây dựng phải thuê người quản lý và đầu bếp người Pháp trước khi khác sạn hoàn thành. Từ năm 1920, Marc Desanti (đang quản lý khách sạn Continental Saigon) đã quản lý khách sạn còn xây dang dở này và Desanti chiêu mộ một bếp trưởng từ Pau, miền nam nước Pháp, sang Đà Lạt. Đầu bếp Henri Passiot cùng bà vợ, người kiêm luôn phụ trách buồng phòng, đã ký hợp đồng ba năm để bắt đầu làm việc từ 1-1-1921. Sau mười tháng ngồi không mà phần nội thất khách sạn vẫn chưa hoàn thiện, bếp trưởng Passiot đâm đơn kiện Desanti đòi trả hết tiền lương còn nợ cũng như chi phí đi về giữa Pháp và Đông Dương cho cả hai vợ chồng. Desanti đành phải cầu cứu toàn quyền Maurice Long can thiệp.
Chính thức khánh thành tháng 3-1922 sau nhiều lần chậm tiến độ và tốn kém vượt dự toán, khách sạn Langbian Palace là công trình lớn nhất được xây dựng đầu tiên ở Đà Lạt. Khách sạn này được khởi công trước cả bưu điện, nhà ga hay tòa thị chính, thậm chí trước cả nhiều trường học và sự đồ sộ của nó áp đảo mọi công thự xây dựng về sau tại Đà Lạt. Các năm sau đó khách sạn có doanh thu tốt nhất và đẹp nhất Đông dương lúc bấy giờ.
Năm 1942 dưới sự đề nghị của toàn quyền Đông Dương Jean Decoux khách sạn được sửa chữa, bỏ bớt một số chi tiết ban đầu, làm cho công trình ít lộng lẫy hơn trước. Đồng thời khách sạn cũng được đổi tên từ khách sạn Langbiang Palace thành Đà Lạt Palace.
Hội nghị trù bị của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với chính quyền Pháp bắt đầu từ ngày 19-4-1946 tại khách sạn Palace (Đoàn chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ở khách sạn Du Pac trong 3 tuần – xây dựng 1922). Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam là Nguyễn Tường Tam, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Phó trưởng đoàn là ông Võ Nguyên Giáp cùng các nhân sĩ trí thức có ảnh hưởng rộng lúc đó như Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Xuân Hãn. Hội nghị kết thúc ngày 11-5-1946 mà không có kết quả. Tuy nhiên nó là cơ sở cho hội nghị diễn ra ở lâu đài Fontainebleau.
Sau ngày thống nhất đất nước, khách sạn cũng tổ chức một số cuộc họp của Bộ Chính trị và quân ủy trung ương ở khách sạn Đà Lạt Palace. Khách sạn cũng được giao lại cho công ty du lịch Lâm Đồng. Năm 1994 -1995 khách sạn đóng cửa trùng tu lớn do công ty Accor chủ trì trùng tu. Công trình được trùng tu lại theo hiện trạng năm 1942. Công ty liên danh DRI là chủ đầu tư khai thác khác sạn này và đổi tên là Sofitel Đà Lạt Palace. Sau nhiều lần mua đi bán lại giữa các tập đoàn trong và ngoài nước nhưng không được sửa chữa thường xuyên, khách sạn đang xuống cấp trầm trọng. Chủ đầu tư hiện nay cũng đang sữa chữa nhưng không được như lần trùng tu trước. Đến nay công trình cũng chưa được công nhận là di sản hay di tích.
Công trình mang hình thức kiến trúc hiện đại nhưng nội thất bố trí theo lối cổ điển. khách sạn Đà Lạt Palace nằm trên đồi với diện tích hơn 6ha hướng ra bờ Hồ Xuân Hương, có tầm nhìn ra cảnh quan thiên nhiên đẹp bậc nhất Đà Lạt. Hiện nay nó là khách sạn 5 sao. Khách sạn Sofitel Palace Đà Lạt là khách sạn cổ trùng tu đẹp nhất Việt Nam, hơn cả khách sạn Metropolital Hà Nội hay Continental, Majestic Sài Gòn.
Sân vườn phía trước khách sạn buổi ban đầu còn hưu nai dạo chơi, nó được thiết kế với những đường đi dạo hình tia, theo kiểu sân vườn cung điện Versaille - Pháp. Điểm kết thúc trục từ khách sạn xuống bờ hồ là nhà cầu nhảy thể thao gọi là đầm ếch do Gs. kiến trúc sư Pineau thiết kế theo lối kiến trúc hiện đại.
No comments:
Post a Comment